Quyền bảo toàn nguyên tác: Con dao hai lưỡi?

Đối với luật bản quyền, ngoài những quyền kinh tế như quyền được sao chép, biểu diễn tác phẩm, tác giả còn được pháp luật  “trao tặng” các quyền nhân thân, mà một trong số đó là quyền bảo toàn nguyên tác. Quyền này cho phép người sáng tạo bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác xuyên tạc, sửa đổi hoặc cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của họ, theo quy định tại Điều 6bis Công ước Berne về quyền tác giả và Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam. Để vượt qua rào cản này, theo luật Việt Nam, bên thứ ba cần có được sự đồng ý từ tác giả (mà trong nhiều trường hợp không phải chủ sở hữu quyền).

Tuy nhiên, Luật SHTT hiện hành lại không xác định khi nào thì việc sửa đổi sẽ gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả và việc phương hại này nên nhìn từ cảm nhận chủ quan của tác giả hay xét từ phản ứng khách quan của công chúng? Sự chưa rõ ràng như vậy đã gây ra tranh cãi mà nếu không cẩn thận có thể dẫn đến một góc nhìn thiên lệch: hoặc bảo hộ quá mạnh cho tác giả, dẫn đến việc cản trở sự sáng tạo của người khác; hoặc quá dễ dãi cho việc sửa đổi tác phẩm, khiến cho quyền lợi của tác giả bị thương tổn.

Bảo toàn nguyên tác ở Việt Nam: cứ khác bản gốc là sai?

Không khuất phục trước sự thiếu vắng các quy định cụ thể, các Tòa án Việt Nam dường như đã tự tìm ra một lối đi cho riêng mình.

Trong vụ tranh chấp “Thần đồng đất Việt”, nguyên đơn là tác giả các hình vẽ nhân vật trong một bộ truyện tranh kiện bị đơn là công ty sản xuất bộ truyện ấy, về việc bị đơn đã sản xuất các tập truyện có vẽ lại các hình ảnh nhân vật (tác phẩm của nguyên đơn) nhưng không giống hoàn toàn nguyên tác. Vụ việc được xét xử qua cả hai cấp sơ và phúc thẩm. Theo đó, cả hai cấp tòa án đều cho rằng hành vi sản xuất các tập truyện mới bao gồm vẽ lại nhân vật gốc và kèm theo việc sửa đổi, xâm phạm quyền bảo toàn nguyên tác.[1]

Tuy nhiên, thay vì xác định việc sửa đổi tác phẩm gốc gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả như thế nào, thì cả hai Toà án đều nhất quán cho rằng việc sửa đổi bị coi là sai trái chỉ bởi nó không được tác giả đồng ý.[2] Trong một vụ án khác liên quan đến việc sửa lời và tên bài hát, Tòa án cũng có cách tiếp cận tương tự.[3] Hoặc sự bức xúc của gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên khi bài hát “Chú voi con ở Bản Đôn” bị biến tấu cũng cho thấy quan điểm bảo toàn nguyên tác một cách chặt chẽ.[4]

Như vậy, chúng ta có thể tạm an toàn mà kết luận rằng, tòa án Việt Nam có xu hướng bỏ qua việc xác định danh dự hay nhân phẩm của tác giả bị xúc phạm như thế nào, khi xem xét quyền bảo toàn nguyên tác. Việc này có thể lý giải từ một vài nguyên nhân sau:

Thứ nhất, luật SHTT nói chung hay luật bản quyền nói riêng là lĩnh vực luật du nhập nên kinh nghiệm xét xử của chúng ta vẫn còn khá ít ỏi, nên hội đồng xét xử gặp khó khăn khi xử lý những vụ việc tương đối phức tạp.

Thứ hai, việc xác định danh dự hay nhân phẩm của tác giả bị xúc phạm là một điều không hề dễ dàng và gây chia rẽ tại các quốc gia dẫn đầu về luật bản quyền như Anh và Pháp.

Góc nhìn từ những người “hàng xóm” xa xôi

Nhìn chung, lĩnh vực SHTT thể hiện mức độ thống nhất đáng kể giữa các quốc gia, do hầu hết đều là thành viên của các hiệp ước quốc tế như hiệp định TRIPS, công ước Paris và công ước Berne. Tuy nhiên, lĩnh vực quyền nhân thân lại phản ánh sự chia rẽ rõ rệt giữa khu vực dân luật (như Pháp – Đức) và thông luật (như Anh – Mỹ).

Ví dụ như nước Pháp, một nước nổi tiếng với việc bảo hộ quyền nhân thân của tác giả một cách mạnh mẽ nhất. Ít nhất về mặt lý thuyết, sự bảo vệ tác giả ở Pháp là tuyệt đối và không điều kiện; nghĩa là quyền bảo toàn nguyên tác bỏ qua yêu cầu rằng việc sửa đổi tác phẩm phải làm tổn thương đến danh dự hoặc danh tiếng của tác giả. Quy định này đi xa hơn Điều 6bis của Công ước Berne.

Vụ án kinh điển của Bernard Buffet vào năm 1965 là một minh họa cho sự “tôn thờ” quyền tác giả tại đây. Là một họa sĩ người Pháp nổi tiếng, Buffet được mời trang trí một chiếc tủ lạnh để bán đấu giá tại Paris vì mục đích từ thiện. Ông đã vẽ trên tất cả các mặt của chiếc tủ lạnh và xem tất cả các phần tạo nên một bức tranh tổng thể. Chủ nhân của chiếc tủ lạnh đề xuất tháo rời và bán riêng từng phần như những tác phẩm nghệ thuật riêng biệt nhưng Buffet phản đối, tuyên bố rằng chiếc tủ lạnh là “một đơn vị nghệ thuật không thể chia cắt”. Yêu cầu này đã được tòa án Pháp chấp nhận.

Source: https://www.alamy.com/jun-26-1958-paris-frige-is-worth-a-fortune-a-paris-gallery-is-now-image69352322.html

Cách tiếp cận tương tự thậm chí còn được áp dụng trong một vụ việc ở Đức vào năm 1975. Tòa án quận của Frankfurt-on-Main ủng hộ Peter Mussbach, đạo diễn vở opera Gotterdimmerung của Wagner, bằng cách ban hành lệnh ngăn chặn việc biểu diễn với các thay đổi về bố trí sân khấu – những thay đổi tổn hại tính toàn vẹn của tác phẩm, bất kể việc dàn dựng sân khấu đã tạo ra một vụ bê bối trong đêm khai mạc. [5]

Trong khi đó, ở các quốc gia thông luật như Anh, quyền nhân thân bị xem là “đứa con ốm yếu” của công ước Berne. Đến thời điểm này, gần như chưa có trường hợp quyền nhân thân nào kiện thành công ở đây vì tòa án yêu cầu tác giả phải chứng minh thiệt hại về danh dự hoặc nhân phẩm, một yêu cầu khá khó khăn. Chẳng hạn, trong vụ việc Tidy v Trustees of the Natural History Museum, liên quan đến việc thu nhỏ các bức phác họa khủng long để đưa vào một tập sách quảng cáo của một bảo tàng, tòa án không chấp nhận yêu cầu của họa sĩ rằng việc thu nhỏ bức tranh làm tổn thương danh dự của anh ta. Trong phán quyết của mình, thẩm phán Rattee tuyên bố rằng mặc dù việc thu nhỏ không đạt được hiệu quả thẩm mỹ như những bản gốc, và ông thấy một số chú thích khó đọc hơn ở bản chỉnh sửa, ông không bị thuyết phục rằng việc thu nhỏ kích thước bóp méo bản gốc.

Hơn nữa, chỉ so sánh bản gốc và bản chỉnh sửa không đủ để chứng minh rằng điều này gây tổn thương cho nguyên đơn. Thẩm phán Rattee nhận định: “Cá nhân tôi thấy khó hiểu làm thế nào tôi có thể kết luận rằng việc sao chép đã gây tổn thương danh dự hoặc uy tín của nguyên đơn mà không có bất kỳ sự kiểm chứng nào cho điều đó.”

Source: https://www.cipil.law.cam.ac.uk/virtual-museum/tidy-v-trustees-natural-history-museum-1996-39-ipr-501

Qua các vụ việc nêu trên, ta thấy rằng có sự khác biệt một cách rõ rệt giữa hai trường phái pháp luật về quyền nhân thân. Do có nguồn gốc từ thời kỳ Lãng mạn, hệ thống quyền tác giả của dân luật (điển hình là nước Pháp) tưởng thưởng các tác giả vì đã đặt dấu ấn cá nhân vào tác phẩm; do đó nó “ủng hộ chức năng của luật bản quyền để quảng bá nghệ thuật và văn hóa ‘chất lượng’ một cách gần như tuyệt đối”.[6] Mặt khác, hệ thống thông luật (như Anh) bảo vệ sự đầu tư và lao động, bất kể yếu tố đầu vào chủ quan. Mục đích chính của nó là khuyến khích sự sáng tạo và giảm tính chủ quan trong việc xác định điều kiện để được bảo hộ.

Đâu là điểm cân bằng?

Trong bối cảnh của Việt Nam, dù Luật SHTT đề xuất sự tổn thương về danh dự hoặc uy tín của tác giả là một điều kiện để xác định có hay việc vi phạm quyền bảo toàn nguyên tác, cách áp dụng trong thực tế lại gần giống với Pháp nơi bỏ qua đề xuất nêu trên mà tập trung vào lợi ích của tác giả như một ưu tiên tối cao. Trong vụ việc Thần Đồng Đất Việt, tòa án Việt Nam ủng hộ tác giả dựa trên quan điểm cá nhân của người này về tác động của việc chỉnh sửa. Nói cách khác, tòa án đã ngầm ngả theo “xu hướng chủ quan” để xác định sự vi phạm, cho rằng chỉ có tác giả mới thực sự hiểu được những gì sẽ gây tổn thương cho tác phẩm cũng như danh dự của họ.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này mang theo những rủi ro. Dựa vào nhận định chủ quan có thể làm mất tính ổn định của luật pháp và làm suy giảm nguyên tắc công bằng. Hơn nữa, việc cho phép tác giả có quyền vô điều kiện để phản đối mọi sự thay đổi đối với tác phẩm của mình dựa trên sở thích cá nhân, có thể đe dọa đến mục tiêu toàn diện về khuyến khích sáng tạo của luật bản quyền nói chung và luật SHTT nói riêng.

Trong khi đó, việc sửa đổi tác phẩm còn có thể được xem là một biểu hiện của quyền tự do sáng tác và thụ hưởng nghệ thuật – một quyền con người được ghi nhận tại Điều 40 Hiến pháp 2013. Chính vì vậy, quyền bảo toàn nguyên tác cần phải có giới hạn và không nên chỉ đứng trên cảm nhận cá nhân của tác giả. Tòa án và các nhà lập pháp có thể (1) hoặc lựa chọn cách tiếp cận khách quan trong việc đánh giá hành vi xâm phạm bằng cách nhìn nhận từ phía công chúng; hoặc (2) phải thừa nhận sự tồn tại của một số trường hợp ngoại lệ nhất định của quyền này; hoặc (3) yêu cầu chứng cứ cho phép suy đoán về việc danh dự và nhân phẩm của tác giả bị tổn thương bởi việc chỉnh sửa tác phẩm.

Bài viết do Lê Vũ Vân Anh và Nguyễn Ngô Thành Danh đồng tác giả, đăng trên báo Kinh Tế Sài Gòn ngày 25/4/2024.


[1] Bản án Sơ thẩm số 35/2019/DS-ST ngày 18/02/2019 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; Bản án Phúc thẩm số 774/2019/DSPT ngày 03/9/2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

[2] Lâm Nghi, “Từ Đất rừng phương Nam đến Thần đồng Đất Việt: Giới hạn nào cho quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm?” https://thesaigontimes.vn/tu-dat-rung-phuong-nam-den-than-dong-dat-viet-gioi-han-nao-cho-quyen-bao-ve-su-toan-ven-tac-pham/.

[3] Bản án Sơ thẩm số 1549/2010/DS- KDTM-ST ngày 27/9/2010 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

[4] Lạc Thành, Gia đình nhạc sỹ Phạm Tuyên nói gì khi “Chú voi con ở bản Đôn” bị biến tấu, https://dantri.com.vn/van-hoa/gia-dinh-nhac-si-pham-tuyen-noi-gi-khi-chu-voi-con-o-ban-don-bi-bien-tau-20240409200807639.htm.

[5] Hai vụ việc này được tường thuật trong Russell J. DaSilva, “Droit Moral and the Amoral Copyright: A Comparison of Artists’ Rights in France and the United States” (1980) 28 Bull Copyright Soc’y USA 1, 31.

[6] Vincenzo Iaia, “To Be, or Not to Be … Original Under Copyright Law, That Is (One of) the Main Questions Concerning AI-Produced Works” (2022) 71(9) GRUR International 793, 796.

Leave a Reply