PHÁ CÁCH TRONG BIỂU DIỄN HAY LÀM TÁC PHẨM PHÁI SINH?

Một trong những quyền quan trọng của chủ sở hữu quyền tác giả là tự mình hoặc cho phép bên thứ ba quyền được làm tác phẩm phái sinh. Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam định nghĩa về tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có, thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác.[1]  Chẳng hạn như các tác phẩm Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, Mắt Biếc của tác giả Nguyễn Nhật Ánh đã được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh. Tác phẩm dịch Harry Potter từ tiếng Anh sang tiếng Việt cũng là tác phẩm phái sinh. Trong những trường hợp nêu trên, ngoài tác giả ban đầu – Nguyễn Nhật Ánh và JK Rowling – vẫn giữ quyền sở hữu đối với tác phẩm gốc, thì đạo diễn Victor Vũ hay dịch giả Lý Lan cũng được xem là tác giả của tác phẩm phái sinh vì chúng cũng là một tác phẩm có tính nguyên gốc (original), một điều kiện tối quan trọng để một tác phẩm được bảo hộ.

Sự biến tấu của ca sĩ và nỗi lòng tác giả

Mặc dù pháp luật hiện hành đã đưa ra định nghĩa và chỉ ra các loại hình cụ thể về tác phẩm phái sinh nhưng sự phân biệt với tác phẩm gốc không phải lúc nào cũng dễ dàng. Như gần đây, một bản cover bài hát “Chú voi con ở bản Đôn” của nhạc sỹ Phạm Tuyên gây bức xúc cho chính tác giả, bởi người trình bày đã điều chỉnh giọng (từ trưởng sang thứ), đẩy nhanh nhịp điệu và tiết tấu của bài hát, khiến một bài hát quen thuộc với thiếu nhi trở nên xa lạ.[2] Liệu rằng, sự bức xúc của tác giả đến từ việc người biểu diễn chỉ chưa tròn nghĩa vụ trả thù lao hay vì làm “tác phẩm phái sinh” (trích lời người nhà nhạc sĩ) đến nỗi chính tác giả cũng thấy xa lạ với đứa con nguyên bản của mình?

Mời bạn cùng nghe phiên bản phái sinh ca khúc Chú voi con ở Bản Đôn đã khiến nhạc sỹ Phạm Tuyên không hài lòng. Lưu ý rằng, đây chưa hẳn là bản lưu truyền đầu tiên của ca khúc phái sinh này.

Những tranh cãi xung quanh việc biến tấu một tác phẩm âm nhạc không phải là điều xa lạ. Phần trình bày bài hát“Tiến quân ca” của ca sỹ Mỹ Linh trước một sự kiện chào đón Tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 được cho là thiếu hào hùng[3] và khác bản gốc của nhạc sỹ Văn Cao. Mặc dù nữ ca sỹ sau đó đã giải thích, cô “hát với thông điệp của thời bình, với tinh thần hàn gắn và chia sẻ yêu thương” nhưng cũng có ý kiến cho rằng phần trình diễn này không đúng nguyên tác và có thể ảnh hưởng đến danh dự và tiếng tăm của nhạc sỹ.

Qua hai sự việc nêu trên, việc khoác tấm áo mới cho tác phẩm đôi khi vấp phải sự chỉ trích của một bộ phận khán giả hay thậm chí chính tác giả. Bỏ qua chuyện yêu ghét thông thường, tranh luận còn dấy lên một vấn đề pháp lý rằng người biểu diễn đang làm ra một tác phẩm phái sinh (và vì vậy vi phạm quyền tác giả) hay họ chỉ đơn giản là đưa dấu ấn cá nhân trong việc trình bày tác phẩm? Trong khuôn khổ có hạn của bài viết, hai tác giả đưa ra một quan điểm pháp luật để rộng đường dư luận.

Chiếu theo khoản 8 Điều 4 Luật SHTT Việt Nam, nếu người biểu diễn chỉ thay đổi giọng của bài hát (từ trưởng sang thứ) để phù hợp với khả năng hay tạo nên một sắc thái khác cho bài hát thì thật khó để xếp hành động này dưới dạng tác phẩm phái sinh nào. Rõ ràng, đây không phải là dịch, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, hay chuyển thể.[4] Hơn thế nữa, thính giả cũng không quên tác phẩm gốc chỉ vì tông giọng của ca sỹ. Tuy nhiên, nếu người biểu diễn viết lại lời cho một bài hát mà không xin phép tác giả, thì người này đang tạo ra tác phẩm phái sinh theo dạng cải biên.[5]

Quy định rõ ràng để không tranh cãi

Không sử dụng thuật ngữ “tác phẩm phái sinh”, nhưng một vài nước đưa ra định nghĩa quyền làm tác phẩm chuyển thể. Chẳng hạn như Điều 21, Đạo luật Bản quyền, kiểu dáng và sáng chế năm 1988 của nước Anh quy định rõ đối với từng loại hình:

Nếu là tác phẩm văn học hoặc kịch, thì tác phẩm chuyển thể là:

  • Bản dịch
  • Tác phẩm kịch được chuyển thành tác phẩm không phải kịch và ngược lại.
  • Câu chuyện hoặc hành động của một tác phẩm được truyền tải toàn bộ hoặc một phần dưới dạng hình ảnh để in lại trong sách, báo, tạp chí.

Nếu là tác phẩm âm nhạc thì chuyển thể là sự sắp xếp hoặc phiên âm của tác phẩm.

Không có nhiều tranh chấp liên quan đến tác phẩm chuyển thể của âm nhạc tại nước Anh, có lẽ vì định nghĩa khá rõ ràng. Tuy nhiên có một vụ việc mà nội dung của chúng có thể giúp trả lời câu hỏi, chuyển đổi tiết tấu của bài hát đóng vai trò như thế nào khi xác định vi phạm quyền tác giả trong Francis Day & Hunter v. Bron [1963] Ch. 587.

Nguyên đơn, Francis Day & Hunter là nhà xuất bản âm nhạc ở London và New York, là chủ sở hữu bản quyền của bài hát “In a Little Spanish Town”. Bài hát được sáng tác vào năm 1926 và được khai thác rộng rãi ở Hoa Kỳ cũng như các nơi khác. Bị đơn, Sydney Bron, là chủ sở hữu bản quyền của bài hát “Why”.

Năm 1960, Nguyên đơn kiện bị đơn vì cho rằng “Why” sao chép hoặc chuyển thể một phần của ca khúc “In a Little Spanish Town”. Thẩm phán phiên tòa đưa ra kết luận rằng mặc dù có sự tương đồng rõ ràng giữa hai bài hát, vì nguyên đơn không chứng minh được sự tương đồng này là kết quả của hành động sao chép, dù là cố ý hay vô ý của bị đơn, nên yêu cầu của nguyên đơn bị bác bỏ. Một phân tích của thẩm phán liên quan đến tiết tấu đã chỉ ra rằng trong trường hợp của “In a Little Spanish Town”, cũng như các ca khúc khác, việc thay đổi tiết tấu từ nhịp 3/4 thành 4/4 không làm mất đi độ nhận diện của bài hát.

Cảm Xúc Cá Nhân và Quyền Tác Giả

Như vậy, dưới góc độ pháp lý, việc thay đổi giọng hay nhịp điệu, tiết tấu của bài hát không được coi là tạo ra tác phẩm phái sinh. Tuy nhiên, từ góc độ nghệ thuật, việc biến tấu một bài hát theo phong cách mới là điều thường gặp và đáng khuyến khích. Ví dụ, bài hát “Cơn Đau Cuối Cùng” ban đầu được trình bày dưới điệu Ballad bởi ca sĩ Lê Hiếu. Tuy nhiên, trong chương trình “Giao Lộ Thời Gian”, ca sĩ Khánh Hà đã đưa ra phiên bản Jazz của bài hát này, và nhận được sự tán thưởng từ đông đảo khán giả, thông qua những bình luận dưới phần biểu diễn.

Mặc dù một tác giả có thể không hài lòng với sự biến đổi của tác phẩm của mình, tuy nhiên, cảm xúc cá nhân không nên được sử dụng như một lý do chính để ngăn chặn sự sáng tạo của người khác, nhất là khi luật bản quyền được tạo ra để khuyến khích sự sáng tạo, chứ không nhằm bảo vệ cái tôi nghệ sĩ của người sáng tác. Khi cảm thấy bị “tổn thương”, tác giả có thể xem xét áp dụng các quy định về quyền nhân thân để bảo vệ đứa con tinh thần của mình. Luật SHTT Việt Nam trong thời gian tới có thể cân nhắc quy định rõ hơn các hành vi phái sinh đối với tác phẩm âm nhạc để người trong cuộc có thể tránh những tranh cãi pháp lý không cần thiết.

Bài viết do Lê Vũ Vân Anh và Nguyễn Thái Hải Lâm đồng tác giả, đăng trên báo Kinh Tế Sài Gòn ngày 18/4/2024 và đăng tải online tại đây.


[1] Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

[2] Lạc Thành, Gia đình nhạc sỹ Phạm Tuyên nói gì khi “Chú voi con ở bản Đôn” bị biến tấu, Báo Dân trí ngày 09/4/2024, https://dantri.com.vn/van-hoa/gia-dinh-nhac-si-pham-tuyen-noi-gi-khi-chu-voi-con-o-ban-don-bi-bien-tau-20240409200807639.htm

[3] Mỹ Linh bị phản ứng vì bị chê hát Quốc ca “thiếu hào hùng”, Báo điện tử VnExpress ngày 25/5/2016, https://vnexpress.net/my-linh-phan-ung-vi-bi-che-hat-quoc-ca-thieu-hao-hung-3408789.html

[4] Các thuật ngữ này được định nghĩa tại Điều 7 của Nghị Định 17//2003/NĐ-CP Quy định chi tiết về một số điều và biện pháp thi hành luật SHTT về quyền tác giả, quyền liên quan.

[5] Khoản 3 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

Leave a Reply